Điều hành dự toán ngân sách nhà nước
Để bảo đảm giữ vững cân đối ngân sách nhà nước các cấp trong mọi tình huống, tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách nhà nước, tập trung nguồn lực tăng chi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, ứng phó biến đổi khí hậu; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước, UBND thành phố đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố, Văn phòng Thành ủy, các phòng, ban, đơn vị, UBND các phường, xã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tiếp tục nỗ lực, quyết liệt thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước đã đề ra, phấn đấu tăng thu, tăng cường tiết kiệm chi, chủ động cân đối ngân sách nhà nước trong những tháng còn lại của năm 2024; trong đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:
1. Các cơ quan, đơn vị, địa phương:
a) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội theo Kế hoạch số 234/KH-UBND ngày 31/12/2021 của UBND thành phố về việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI, DDCI) giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn thành phố Gia Nghĩa; Kế hoạch số 42/KH-UBND ngày 13/3/2024 của UBND thành phố về triển khai những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Đắk Nông năm 2024 trên địa bàn thành phố Gia Nghĩa; Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 22/7/2024 của Chủ tịch UBND thành phố Gia Nghĩa về tăng cường trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ nhằm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh (DDCI) thành phố Gia Nghĩa. Tập trung thực hiện các giải pháp đã ban hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế, duy trì đà tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
b) Quyết liệt thực hiện công tác thu ngân sách nhà nước, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất
- Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp quản lý thu, chống thất thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu phát sinh theo quy định;
- Đẩy mạnh và hiệu quả hơn nữa chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý thu,… Trên cơ sở đó, phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2024 đạt dự toán HĐND thành phố giao, thu ngân sách nhà nước năm 2025 cao hơn so với ước thực hiện năm 2024 để đảm bảo nguồn lực đáp ứng các nhiệm vụ chi theo dự toán, tăng chi tạo nguồn cải cách tiền lương và xử lý các nhiệm vụ đột xuất phát sinh;
- Tăng cường phòng, chống gian lận thương mại, nhất là các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, chuyển nhượng bất động sản. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện quy định về quản lý giá, thuế, phí, ổn định giá nguyên vật liệu, mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống của Nhân dân.
c) Tổ chức điều hành chi ngân sách nhà nước chủ động, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước
Đối với năm 2025, ngoài số tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định, trong tổ chức thực hiện, các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp rà soát, cơ cấu, sắp xếp các nhiệm vụ chi, phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm của dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024 (sau khi loại trừ các khoản chi tương tự như năm 2024 đã được quy định tại Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 07/8/2024 của Chính phủ) để dành nguồn giảm bội chi ngân sách nhà nước hoặc cho các nhiệm vụ cấp thiết, phát sinh, thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội của địa phương hoặc bổ sung cho chi đầu tư phát triển;
- Thực hiện chi ngân sách theo đúng chế độ quy định, trong phạm vi dự toán được giao, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; tập trung nguồn lực thực hiện chính sách cải cách tiền lương, các chính sách, chế độ an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo;
- Tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả trong việc giải ngân vốn đầu tư công đảm bảo đúng tiến độ kế hoạch cam kết, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp tại Công văn số 7696/UBND-KTKH ngày 14/12/2023 của UBND tỉnh Đắk Nông về việc thực hiện và tăng cường quản lý kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước năm 2024; Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 05/02/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông về tăng cường thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Đắk Nông năm 2024; Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 23/4/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông về việc đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, Công văn số 5058/UBND-KT ngày 23/8/2024 của UBND tỉnh về triển khai Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 08/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm, các Chương trình mục tiêu quốc gia; các văn bản chỉ đạo của UBND thành phố về tăng cường quản lý kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước, đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 tại Công văn số 2868/UBND-TCKH ngày 15/12/2023; Công văn số 386/UBND-TCKH ngày 23/02/2024; Công văn số 966/UBND-TCKH ngày 25/4/2024; Công văn số 1170/UBND-TCKH ngày 21/5/2024. Phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn năm 2024 đã giao; kịp thời điều chuyển vốn từ các nhiệm vụ, dự án không đủ điều kiện để giải ngân hoặc giải ngân chậm để bổ sung cho các nhiệm vụ, dự án có khả năng giải ngân nhanh và có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định. Phấn đấu giải ngân trên 95% số kế hoạch vốn năm 2024 được giao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế;
- Đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, đảm bảo tiết kiệm. Tổ chức rà soát, sắp xếp lại tài sản công, xử lý tài sản không còn nhu cầu sử dụng đúng quy định; kiên quyết thu hồi các tài sản sử dụng sai đối tượng, sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức; không để lãng phí thất thoát tài sản công.
d) UBND các phường, xã thực hiện chi ngân sách nhà nước theo dự toán được giao và khả năng thu theo phân cấp; chủ động sử dụng dự phòng, kết dư ngân sách và các nguồn lực hợp pháp của địa phương để xử lý các nhiệm vụ chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi đột xuất, cấp bách phát sinh theo quy định. Rà soát, sắp xếp, điều chỉnh dự toán chi theo quy định; chủ động cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, đặc biệt là các khoản chi hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi công tác trong nước, nghiên cứu, khảo sát nước ngoài.
Trường hợp dự kiến thu ngân sách địa phương không đạt dự toán, UBND các phường, xã xây dựng phương án báo cáo HĐND cùng cấp giải pháp xử lý để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương như sau: (i) chủ động giữ lại 50% dự toán dự phòng ngân sách địa phương; (ii) cân đối các nguồn lực tại chỗ để chủ động bù đắp số giảm thu ngân sách địa phương (kết dư ngân sách,…). Sau khi sử dụng các nguồn lực của địa phương mà vẫn không đảm bảo bù đắp số giảm thu, thì phải rà soát, cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi, trong đó cần chủ động cơ cấu lại chi đầu tư phát triển, nhất là trường hợp nguồn thu tiền sử dụng đất biến động lớn.
Trong quá trình điều hành ngân sách, trường hợp xảy ra thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách các cấp, phải kịp thời báo cáo cấp trên để xem xét, xử lý theo quy định tại Điều 58 của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và khoản 1 Điều 36 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ.
2. Phòng Tài chính - Kế hoạch thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương:
a) Tham mưu UBND thành phố điều hành ngân sách đảm bảo nguồn dự phòng cho chi phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, trả lương, chính sách an sinh xã hội và các nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách phát sinh.
b) Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, của UBND tỉnh, tham mưu UBND thành phố phương án xử lý số cắt giảm, tiết kiệm 5% dự toán chi thường xuyên của các cơ quan, đơn vị và địa phương.
c) Khẩn trương rà soát, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án của các chủ đầu tư; đôn đốc, kịp thời hướng dẫn xử lý các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; khẩn trương trình cấp thẩm quyền phương án cắt giảm, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2024 giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.